Cuộc đời người mẹ trong bức ảnh làm thay đổi thế giới
Bức ảnh "Người mẹ di cư" mang lại cho Florence Owens Thompson cả sự nổi tiếng lẫn nỗi hổ thẹn.
Trong một chuyến tác nghiệp đầu năm 1936, nhiếp ảnh gia Dorothea Lange đã đi qua
một trang trại tạm ở Nipomo (California).
Có ít nhất 2.500 nông dân và gia đình của họ đang ở đó, cận kề với cái đói. Cánh
đồng đậu họ định thu hoạch đã bị trận mưa đá phá hoại.
Trong số những người di cư, nhiếp ảnh gia trông thấy một người phụ nữ và những
đứa trẻ đang ngồi trong một túp lều dựng trên bùn. Lange tiến lại gần họ và bấm
liền 6 tấm ảnh.
Đó là khoảng khắc khiến cả nhiếp ảnh gia và nhân vật, bà Florence Owens
Thompson, trở nên nổi tiếng thế giới, dù rằng khoảng 40 năm sau, người ta mới
biết danh tính nhân vật được coi là biểu tượng của thời kì Đại Khủng hoảng những
năm 1930.
Bức ảnh "Người mẹ di
cư" của
Dorothea Lange
Trong cuốn “Popular Photography”, nhiếp ảnh gia Lange chia sẻ: “Tôi không nhớ đã
giải thích sự xuất hiện của mình hay của chiếc máy ảnh như thế nào, nhưng tôi
vẫn nhớ là cô ấy không hỏi điều gì cả… Tôi không hỏi tên hay nhân thân của cô
ấy. Cô ấy nói cho tôi biết cô ấy 32 tuổi. Mấy mẹ con họ phải sống nhờ rau quả
mót được trên những cánh đồng cạnh đó và những con chim mà lũ trẻ bắn được...”.
Xấu hổ vì nổi tiếng
Bức ảnh được đăng trên tờ San Francisco News ngay ngày hôm sau. Thấy hình mình
trên báo, bà Thompson "chỉ nhìn và không nói gì cả”. Cũng nhờ bức ảnh, lương
thực cứu trợ của Chính phủ được chuyển tới một ngày sau đó. Thật không may, gia
đình nhà Thompson đã tiếp tục ra đi trước khi được nhận số thức ăn này.
Trả lời phỏng vấn một phóng viên vào những năm 1970, bà oán trach Lange: “Tôi
ước gì mình không chụp bức ảnh đó. Tôi không nhận được một cắc nào từ nó cả. Cô
ta không hỏi tên tôi. Cô ta nói sẽ không bán bức ảnh. Cô ta nói sẽ gửi cho tôi 1
bản. Nhưng cô ta không bao giờ làm thế”. Bà thậm chí đã gửi thư tới tờ báo địa
phương yêu cầu không được sử dụng hình ảnh của mình khi không được bà cho phép.
Thực tế là bản thân Lange cũng không được lợi gì từ bức ảnh. Nó thuộc quyền sở
hữu của Chính phủ, vì Lange đã chụp nó khi tham gia dự án của Cơ quan an ninh
nông nghiệp Mỹ FSA.
Bà Florence Owens Thompson bên bức ảnh của mình trong một cuộc phỏng vấn năm
1978
Trái với vẻ bất động tuyệt vọng mà bức ảnh khắc họa, con gái của bà Thompson cho
rằng mẹ mình “là người phụ nữ mạnh mẽ… Tôi nghĩ rằng đó là một trong những lí do
bà bực bội với bức ảnh. Nó không thể hiện được đúng thần thái của bà”.
“Bức ảnh trên báo nói về tình cảnh khó khăn mà mọi người đang gặp phải. Mọi
người chết đói trong trại, không có thức ăn…Chúng tôi xấu hổ vì nó và không muốn
ai biết mình là ai”.
Giá trị của nỗi nhục nhã
Năm 1983, bà Thompson bị đột quỵ và cần có y tá túc trực ngày đêm. Tiền điều trị
vượt quá khả năng của gia đình. Bức ảnh lúc này mới thực sự trở nên có ý nghĩa.
Nhờ nó mà gia đình Thompson nhận được khoảng 35.000 USD khắp nơi gửi tới để giúp
đỡ nhân vật chính trong bức ảnh nổi tiếng điều trị.
Florence Owens Thompson và các con trong
bức ảnh nổi tiếng chụp năm 1936 (trái) và trong một bức ảnh gia đình chụp năm
1979 (phải)
Theo ông Troy Owens, một người con trai của bà Thompson “không ai trong chúng
tôi thực sự hiểu bức ảnh của mẹ đã ảnh hưởng tới mọi người như thế nào. Tôi đoán
là chúng tôi chỉ nhìn nó từ phía mình. Với mẹ và chúng tôi, bức ảnh luôn là nỗi
nhục nhã. Sau khi những lá thư giúp đỡ được gửi tới, tôi nghĩ nó khiến chúng tôi
có phần nào đó tự hào”.
Năm 1998, bức ảnh được in trên tem 32 cent trong bộ tem "Celebrate the Century"
kỉ niệm những sự kiện quan trọng của thế kỉ 20. Bức ảnh được treo ở nhiều bảo
tàng trên thế giới. Năm 2003, nó được in trong tập sách "100 bức ảnh làm thay
đổi thế giới" của tạp chí Life.
Ông Roy Stryker, trưởng nhóm ảnh của FSA nói về bức ảnh: “Bà ấy toát lên sự kín
đáo và dũng cảm lạ thường. Người ta có thể thấy bất cứ điều gì mình muốn ở bà
ấy. Bà ấy là bất tử”.
Florence Owens Thompson sinh năm 1903 tại Oklahoma và mất ngày 16/9/1983. Bà là
người thuộc bộ tộc da đỏ Cherokee. Bà cưới người chồng đầu Cleo Owens năm 1921
và có 6 người con. Năm 1931, ông Cleo Owens chết vì bệnh lao. Bà có thêm 3 người
con với Jim Hill nhưng hai người không cưới nhau. Thời điểm này cũng là những
năm tháng Đại khủng hoảng. Sau Chiến tranh thế giới thứ 2, bà cưới George
Thompson, một quản lí bệnh viện và sống với ông đến cuối đời.