Phượng Hoàng cổ trấn – bức tranh thủy mặc đẹp đến nao lòng
Nhiếp ảnh gia tự do Nguyễn Chí Thiện sinh năm 1988, hiện đang sinh sống và làm việc tại Sai Gon. Anh tốt nghiệp chuyên ngành thiết kế đồ họa trường ĐH Mỹ Thuật . Con đường đến với nhiếp ảnh của chàng trai trẻ này rất tình cờ, xuất phát từ việc mua máy ảnh để lưu lại khoảnh khắc vui vẻ cùng bạn bè trong những cuộc vui, chuyến đi phượt. Càng chụp anh càng thấy yêu thích, hứng thú hơn và đã quyết định sống với niềm đam mê này.
Bộ ảnh “Phượng Hoàng cổ trấn” mới được thực hiện trong chuyến đi của anh tới tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc đầu tháng 3. Ấn tượng đầu tiên khi đặt chân đến đây chính là khung cảnh bình yên đến kỳ lạ. Một cổ trấn tuyệt đẹp và yên tĩnh.
Nhiếp ảnh gia trẻ tuổi chia sẻ: “Chuyến đi lần này có 2 điểm đến mà mình yêu thích từ lâu là Trương Gia Giới và Phượng Hoàng cổ trấn. Thật không may khi đến Trương Gia Giới thì trời nhiều sương quá nên mình không thể chụp ảnh và ngắm cảnh được nhiều, có một chút gì đó hơi buồn.
Tuy nhiên, khi đến Phượng Hoàng cổ trấn lại rất tuyệt bởi trời hôm đó có tuyết. Phải may mắn lắm mới nhìn thấy khung cảnh tuyết rơi vào mùa xuân. Mình đã không thể ngủ được vì háo hức chờ đến hôm sau để được ngắm tuyết. Một cảnh tượng thật khó tin, tuyết phủ trắng xóa những mái nhà, con đường và vẫn còn rơi ngoài trời rất nhiều.”
Trong tiết trời lạnh giá lạ thường của mùa xuân, mọi người ra đường muộn hơn so với thường ngày. Khung cảnh tĩnh lặng của cổ trấn chìm trong tuyết thật đẹp. Đến trưa khi tuyết tan, hai bên đường lại tấp nập người mua bán. Đồ ăn ở Phượng Hoàng cổ trấn cũng rất ngon.
Về đêm, Phượng Hoàng cổ trấn càng lung linh hơn với những ánh đèn lồng rực rỡ soi mình xuống sông Đà Giang. Cổ trấn không lớn lắm chỉ mất khoảng 2 ngày là du khách có thể khám phá hết nơi này.
Lịch trình cụ thể như sau:
Chuyến đi của tụi mình kéo dài trong 8 ngày từ mùng 5 – 12/3. Tối ngày mồng 4, nhóm có mặt ở Hà Nội để bắt xe đi Nam Ninh, chiều ngày mồng 5 thì đến nơi. Sau đó, bắt tàu đi tiếp đến Hồ Nam, trưa ngày mồng 6 đến nơi, nhận khách sạn và bắt đầu tham quan ở Trương Gia Giới trong 3 ngày. Chiều ngày mồng 9 bắt xe từ Hồ Nam đi ngược về Phượng hoàng cổ trấn ở đấy khoảng 2 đêm 2 ngày, rồi trở về Việt Nam.
Tổng chi phí mỗi người hết 11 triệu đồng (bao gồm vé máy bay từ TP. HCM ra Hà Nội).
Một số lưu ý khi bạn đến đây đó là phải chuẩn bị tinh thần đứng xếp hàng rất lâu từ 4 – 10 tiếng. Nên đến vào những ngày thường thì vắng hơn. Đồ ăn ở Hồ Nam rất nhiều dầu mỡ, dễ bị nóng trong người nên bạn cần phải mang theo thuốc thanh nhiệt. Các bạn có thẻ sinh viên quốc tế nhớ mang theo sẽ được giảm giá rất nhiều.
Trao đổi với PV Thời Đại về kỷ niệm đáng nhớ nhất ở Phượng Hoàng cổ trấn, Nguyễn Thiện Chí cho hay: “Cảnh tuyết rơi có lẽ là kỉ niệm đáng nhớ nhất. Buổi sáng ra khỏi khách sạn tiến về hướng sông Đà Giang, mọi thứ thật im ắng chỉ có mỗi tiếng lách tách của những hạt tuyết rơi trên đường, con thuyền. Khung cảnh lúc đó làm mình không thể nào quên được.”
Sau đây, hãy cũng chiêm ngưỡng bộ ảnh “Phượng Hoàng cổ trấn” đẹp như một bức tranh thủy mặc mà nhiếp ảnh gia Nguyễn Thiện Chí muốn gửi tới độc giả:
Phượng Hoàng là một thị trấn cổ kính của Trung Quốc, nằm tại huyện Phượng Hoàng, tỉnh Hồ Nam. Cổ trấn được xây dựng bên dòng sông Đà Giang
Những ngôi nhà cổ san sát soi bóng xuống dòng Đà Giang tạo nên bức tranh hữu tình, khiến Phượng Hoàng trở thành địa danh mà ai cũng muốn một lần đặt chân đến
Con sông Đà Giang chảy qua cổ trấn như một dải lụa màu xanh ngọc, đôi bờ được nối liền bởi những cây cầu gỗ nhỏ xinh xinh tạo nên khung cảnh yên bình, tĩnh lặng cho nơi đây
Bên cạnh phong tục tập quán độc đáo của người dân nơi đây, Phượng Hoàng cổ trấn là một điểm du lịch hấp dẫn, thú vị thu hút rất nhiều du khách
Dọc theo con đường lát đá xanh, các cửa hàng bán sản phẩm truyền thống của địa phương như vò rượu của người Hán, đồ trang sức bạc của người Miêu hay những chiếc đèn hoa đăng xinh xắn của người Thổ Gia… luôn tấp nập kẻ bán người mua
Khi màn đêm buông xuống, cảnh sắc của Phượng Hoàng cổ trấn càng thêm lung linh huyền ảo như một bức tranh nhiều màu sắc. Con sông nối giữa khu phố cổ soi bóng những chiếc đèn lồng. Hồng Kiều – cây cầu cũ đẹp bậc nhất thành cổ được trang hoàng lộng lẫy