Chỉ là giấc mơ thôi
( Truyện ngắn)
Hạnh chạy lại ôm chầm lấy Đông
_Trời ơi! Anh Đông , Vậy mà em tưởng không bao giờ gặp lại anh nữa.
Không gian mờ mờ yên lặng, một làn môi nóng áp trên trán Hạnh và một vòng tay ấm áp che chở. Hạnh ngả đầu vào vai Đông.
_ Anh biết không? Hôm hai người lính đến nhà đón bác gái đi thăm anh, họ nói với bác là anh đã bị thương trong trận đánh Đồng Xoài nhưng em nghe hàng xóm xôn xao là “chết rồi, họ chỉ nói vậy để bà ấy khỏi xốc nặng, tội nghiệp! có hai thằng con trai đều chết trận cả”, em bàng hoàng chạy về báo mẹ em, em bị mẹ đánh cho một trận. Hôm ấy em chùm mền khóc cả ngày.
Hạnh thua Đông 4 tuổi có chung một hoàn cảnh là không cha. Chưa bao giờ Hạnh hỏi Đông rằng cha anh đâu bởi vì Hạnh rất bối rối mỗi khi có ai hỏi Hạnh câu đó, Hạnh chỉ biết rằng hình bóng cha Hạnh vẫn in đậm trong trí óc non nớt của Hạnh ở lứa tuổi lên năm. Ngày ấy Hạnh đứng nhìn cha leo lên một chiếc xe vận tải lớn cùng với ba cái rương to bằng gỗ , trên xe còn có một số gia đình khác nữa.
Mẹ Hạnh là người vô lo chỉ một năm sau là số tiền lớn cha để lại đã bị mẹ tiêu hết, sau đó mẹ dắt Hạnh đi khắp nơi, nay ở nhờ người này mai ở nhờ người khác. Lên bẩy tuổi Hạnh đã biết mượn bếp lò chủ nhà nấu cơm để tối mẹ về có cơm ăn. Hạnh rất ngoan nên ai nấy đều thương.
Rồi một ngày mẹ đem Hạnh về xóm lao động cạnh bờ biển, đa số dân ở đây sống bằng nghề chài lưới , số còn lại trồng rau và buôn bán. Ở đây đất biển bao la, anh chị Đăng vừa mua được căn nhà gỗ nên cho mẹ con Hạnh căn nhà tranh vách cũng bằng tranh. Thấy hoàn cảnh khó khăn của mẹ con Hạnh Bà Hai xóm chợ cho mẹ Hạnh mượn một sào ruộng để trồng rau bán. Thầy giáo Long ghi tên cho Hạnh vào trường học . Cuộc đời Hạnh không còn bị lang thang từ đó.
Nhà Đông ở bên kia đường cái chính, qua chiếc cầu bắc ngang hai bờ ao là đến nhà Đông. Hạnh ít khi đến nhà Đông chỉ là Đông qua bên xóm này chơi vì bên này có nhiều bạn. Từ khi Hạnh về đây Đông thường qua xóm này hơn, Đông cảm thấy đỡ cô đơn vì đã có người cùng cảnh ngộ.
Hàng ngày mẹ đi làm, sau giờ đi học Hạnh ở nhà nấu cơm sau đó vui chơi cùng các bạn trong xóm. Hạnh rất siêng học, Hạnh thường trải vở trên chiếc chõng tre và ngồi bệt xuống đất để viết thấy vậy Đông đã đóng cho Hạnh một chiếc bàn con, những lúc Hạnh học bài có Đông bên cạnh Hạnh thường bắt gặp trên khuôn mặt Đông niềm vui khó tả. Có một buổi tối dưới ánh đèn dầu Hạnh đang phân vân không biết phải vẽ cái gì nên ngồi thừ ra, Đông bước vào ngạc nhiên hỏi:
_Hạnh đang buồn à? Hôm nay trăng sáng quá không thấy Hạnh ra chơi cùng các bạn, có chuyện gì thế?
_ Có chuyện gì đâu anh, thầy giáo cho về nhà vẽ với đề tài tự do, ngày mai chấm điểm rồi mà em chưa biết vẽ gì, em đang lo.
_ Để anh vẽ giùm cho.
Dưới ánh đèn dầu leo lắt hai mái đầu chụm lại cùng nhau trên trang giấy trắng. Đông chăm chú vẽ, Hạnh nín thở theo dõi xem anh vẽ gì. Chỉ một cây bút chì đen 20 phút sau Đông đã vẽ xong cây đèn dầu giống hệt cây đèn dầu trước mặt.
_Anh vẽ đẹp quá, giống như thật. Thầy giáo không tin em vẽ đâu.
_ Không sao đâu, mai mốt anh dậy em vẽ, em cũng sẽ vẽ đẹp như vậy.
_ Mai mốt anh dậy em vẽ nha. Bây giờ mình ra chơi đuổi trăng cùng các bạn nghe anh.
_ Muộn rồi em đi ngủ đi mai còn dậy sớm đi học. Anh về đây.
Cuộc sống và tuổi thơ êm đềm trôi, có những chiều Hạnh cùng Đông bên bờ biển, Đông đuổi bắt giã tràng, Hạnh đắp đất xây lâu đài cho Bạch Tuyết, cũng có những đêm trăng nhiều mây với hình thù quái lạ Hạnh nép sát vào Đông
_ Anh Đông ơi em sợ.
_ Em sợ gì?
_ Em sợ những con quái vật trên trời kia như đang muốn nuốt em.
Những lúc như thế Đông thường nắm chặt tay Hạnh như cố truyền sang cho Hạnh những nội lực mà Đông đang có.
_ Đừng sợ . Chỉ là đám mây thôi.
*************
Thế rồi một buổi chiều mây giăng tối đen cả đất trời , sấm chớp ì ầm, mưa tràn ngập lối. Anh Cả của Hạnh xuất hiện, tuổi quân dịch đã qua anh Cả xuất hiện trong căn nhà tranh vách cũng bằng tranh như thần mưa thần gió. Hạnh không còn những ngày tháng vui chơi cùng bạn bè trong xóm nữa. Những bài công dân giáo dục được anh Cả nhắc nhở hàng ngày, nào là con gái phải “Công, ngôn, dung, hạnh”, nào là phải giữ “tam tòng tứ đức”, nào là “quyền huynh thế phụ” “ nào là “ tại gia tòng phụ , xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử” . Hạnh chẳng hiểu gì cả. Điều đó đối với Hạnh chẳng có ý nghĩa gì bởi Hạnh không hiểu nhưng hình như đã có một ý nghĩa lớn lao với mẹ. Một hôm mẹ gọi Hạnh lại và bảo :
_Đàn bà phải giữ “tam tòng” nghĩa là người con gái ở nhà thì phải nghe lời cha, khi đi lấy chồng thì phải phục tòng chồng, khi chồng chết thì phải nghe lời con trưởng. Bây giờ ba con không còn nên mọi chuyện trong nhà anh Cả con sẽ là người quyết định, từ đây anh Cả sẽ lấy quyền “quyền huynh thế phụ” để thay ba dạy dỗ con, con phải nghe lời anh Cả. Kể từ hôm nay đi đâu làm việc gì con phải xin phép anh Cả. Anh Cả đồng ý tức là mẹ đồng ý, anh Cả bảo không thì mẹ cũng đành chịu, con nhớ chưa?
Căn nhà chật hơn một chút, gánh rau của mẹ nặng hơn một chút. Anh cả suốt ngày nằm dài trên chiếc chõng tre với ba cuốn sách, chán rồi anh Cả mang cần ra bờ ao câu cá , mẹ bảo anh đang học. Trong mắt mẹ con gái là con người ta, con trai trưởng mới là người mẹ nương cậy lúc về già. Hạnh thông minh nên tự biết phải làm gì. Buổi sáng Hạnh dậy sớm rang cơm rồi mới đi học để khi anh Cả dậy có đồ ăn sáng. Mỗi ngày đi học về phải sách nước giặt quần áo cho anh Cả. Cơm trưa cơm chiều phải đúng giờ và đầy đủ, lỡ hôm nào thiếu gạo thì phải nhịn, lỡ tay nấu canh nhiều thì phải uống bằng hết nếu không muốn bị đòn. Hạnh nhớ có lần Hạnh vừa rang cơm xong anh Cả hỏi:
_ Cơm chín chưa?
_ Dạ chín rồi.
_ Cơm rang mà bảo chín?
Những cái tát tai tới tấp vào mặt Hạnh. Những trận đòn tương tự chỉ vì lỡ lời hay dùng từ không đúng. Hạnh học mỗi ngày mỗi kém, Hạnh không dám mở bài ra học vì hôm nào dở vở ra học cũng bị anh Cả lục soát bài rồi bắt bẻ đủ điều chẳng học được bài mà có khi còn bị những cái cú đầu đến long óc. Biết Hạnh Không còn tự do như trước Đông không rủ Hạnh ra sân chơi nữa bởi Đông đã có lần nhìn thấy Hạnh bị đút đầu dưới gầm chõng phần mông và hai chân lòi ra ngoài dưới làn roi mây của anh Cả. Một buổi tối Đông đến nhà Hạnh chuyện trò với anh Cả, được một lúc anh Cả gọi Hạnh đem sách vở ra, anh lật từng trang.
_ Tại sao bài toán này lại bị điểm hai ?
_ Tại em không biết làm.
_ Tại sao không biết làm? Trả lời như thế được sao?
Anh cả rút chiếc roi mây để sẵn dưới chân chõng chậm trãi bảo Hạnh ra đứng trước mặt anh và Đông:
_Đứng quay mặt vào trong nhà, thẳng hai chân, cúi xuống, những ngón tay cầm những ngón chân.
Nhìn Hạnh bé bỏng trong tư thế khom người nhận làn mưa roi thật cao, thật mạnh của anh Cả. Hạnh không khóc thành tiếng, không van xin. Đông chẩy nước mắt đứng dậy:
_ Chào anh em về.
Từ đó Đông không qua nhà Hạnh nữa. Năm ấy Hạnh 12 tuổi.
Anh Cả có việc làm. Sở cách nhà chừng 7 cây số. Lúc 4 giờ sáng khi mẹ ra ruộng cắt rau là lúc Hạnh dậy lo cơm nước cho anh Cả đi làm. Mùa hè trường học đóng cửa. Anh Cả giao cho Hạnh một quyển sách toán, Hạnh phải làm toán không được ra ngoài chơi. Tối về trình những bài toán đã làm cho anh Cả chấm điểm. Hạnh cố làm cho xong công việc trong ngày để có thời gian vui chơi cùng các bạn mà không sợ anh Cả biết.
Hạnh đang rửa chén thì có tiếng Linh gọi ơi ới:
_ Hạnh ơi! Ra đầu hè nhà chị Đăng chơi chuyền với tụi mình không?
_ Chờ mình một tí chỉ còn tráng mấy cái bát nữa là xong.
Trưa hè oi ả, vài cơn gió nhẹ thổi ngang đầu hè, trong nhà chị Đăng đang chẻ rau muống cho buổi chợ ngày mai thỉnh thoảng ngừng tay đưa chiếc võng ru cu Tí ngủ. Trong xóm lao động lúc nào người lớn cũng có việc chỉ trừ đám trẻ con.
Nghe tiếng gà gáy trưa Hạnh biết còn lâu lắm mới đến giờ anh Cả tan sở.
_ Lâu lâu con Hạnh mới được chơi cho nó đi trước. Linh nói
_ Ừ!. Vân trả lời
Nền xi măng mát mẻ sạch sẽ . Bàn tay thoăn thoắt Hạnh tung banh nhặt thẻ, đôi mắt linh hoạt chạy theo quả banh miệng đọc:
_Một này , một nữa, chống cửa , cài then …….bắt cho kịp kíp bàn đôi …..
Anh Cả tay dắt xe đạp lừ lừ đi tới sau lưng Hạnh. Hạnh vẫn không hay. Linh khều Hạnh.
_ Anh Cả kìa.
Hạnh giật mình cứng người. Linh và Vân sợ hãi chạy vào nhà chi Đăng trốn, chỉ còn lại Hạnh. Đôi mắt anh Cả long lên sòng sọc.
_ Ai cho ra ngoài chơi? Muốn chơi chuyền hả? ngồi xuống đó chơi cho đến chiều đến tối, đến mai, cho đến khi nào chán thì thôi.
Hạnh riu ríu ngồi xuống. Bàn tay Hạnh cứng đơ không thể nào tung trái banh lên được. Anh Cả dựng chiếc xe đạp và gốc phượng.
_ Chơi đi, tại sao không chơi nữa?.
Anh Cả tát tới tấp vào mặt Hạnh. Anh đá tung bó thẻ tre. Anh đá vào người Hạnh. Hạnh ngả lăn xuống đất. Hạnh lồm cồm ngồi dậy. Anh Cả dùng chân phải đạp lên lưng Hạnh nhấn xuống không cho Hạnh ngồi dậy. Hàng xóm người lớn, trẻ con vây quanh đứng nhìn. Chiếc giày đinh đè nặng trên lưng đau đớn Hạnh ngước lên cầu cứu. Hạnh nhìn thấy Đông đang khóc.
Những giọt nước mắt nóng rơi trên má trên tóc Hạnh. Hạnh xiết nhẹ người Đông.
_ Anh Đông! Anh khóc hả?
…….
_Sao anh không trả lời em?
Hạnh đưa tay lên lau nước mắt cho Đông. Hạnh với hoài với mãi không với được khuôn mặt Đông. Khuôn mặt Đông xa dần rồi tan vào làn khói trắng.
Không gian mờ mờ yên lặng. Chiếc mền đã tuột khỏi đôi vai. Đêm qua trời trở gió . Mùa Đông lại về. Bà Hạnh kéo chiếc mền lên cho ấm.
_ Bốn mươi lăm năm rồi còn gì. Chỉ là giấc mơ thôi.
Hannah Hoàng (Hạ Nguyên)
|