Không nhớ từ bao giờ tôi và anh xã trở nên rất thích ăn rau xà lách, đặc biệt là loại spring mix.
Thường mỗi bửa ăn, đồ ăn đều có chất bổ cần thiết vì tôi luôn quan tâm đến sức khỏe của mọi người. Tôi hay quan niệm rằng phòng bệnh tốt hơn chữa bệnh, nên tránh tối đa những thức ăn, thức uống gây nguy hại cho cơ thể. Cũng vì thế mà mỗi khi đọc báo hay nghe những bài thuốc hay từ thức ăn, tôi thường chép hay cắt lại để dành làm tài liệu.
Anh xã và tôi hay đi chợ Sam hàng tuần để mua loại xà lách spring mix này, nên chỉ còn cách là tự trồng ở nhà để vừa có đồ tươi ăn hoài, vừa tiết kiệm được thời giờ và tiền bạc (khi đi Sam, chúng tôi đâu chỉ mua một thứ; cộng thêm Sam là chợ bán cái gì cũng to và nhiều, đôi khi mua về ăn không kịp bị hư lại phải bỏ). Và thế là anh xã lấy một phần đất ở sân sau (sân nhà tôi nhỏ chớ không được rộng) mà trước đây để trồng bông, giờ xới lại thêm đất vô rồi rãi hột xà lách đủ loại vào. Xong, tưới nước, và chờ khoảng một tháng hơn là có xà lách ăn rồi. Trồng, tưới, và bón phân (chỉ một lần) là nhiệm vụ của anh xã. Còn nhổ cỏ và thu hoạch thì tôi đảm nhiệm (chỉ hiểu ngầm là như vậy thôi chớ không có văn bản chính thức). Công việc xem ra nhẹ nhàng nhưng đừng tưởng bở nhé. Đau lưng mõi gối lắm đấy! Mỗi chiều, khi nắng ngoài trời đã dịu, tôi xách kéo và bọc ra ngồi cắt xà lách. Cái khoảnh đất trồng xà lách chỉ khoảng một thước bề ngang và bốn thước bề dài thôi mà đôi khi tôi phải cần mấy ngày mới cắt xong đám xà lách. Chung quy cũng chỉ vì mỗi lúc cắt có hơn một giờ thì trời đã tối; và vì tánh tôi hơi kỹ nên ngồi cắt và lựa từng lá xà lách ngon mới lấy. Lá già, lá bị sâu thì bỏ không nương tay. Đôi khi anh xã thấy lá còn xanh thì hơi tiếc nên hay nói “em cắt phí quá nửa ăn nửa bỏ vầy mai mốt anh không thèm trồng nữa đâu.” Nhưng phải ngồi gần mới biết dù còn xanh mà lá đã già, ăn không còn ngon nữa. Tôi chỉ ậm ừ cho qua. Có lúc, ra sau nhà gặp tôi cắt rau anh lặp lại điệp khúc cũ tôi hơi bực nói lại “thì thôi, anh đừng trồng nữa” và thầm nghĩ “coi ai thèm cho biết, anh ăn nhiều hơn tôi chớ bộ.” Thỉnh thoảng, anh xả thấy tôi cắt rau lâu đòi làm giùm, nhưng tôi hay gạt đi vì tôi biết thế nào tôi cũng phải lựa lại.
Ngoài rau xà lách, chúng tôi còn trồng rau thơm như là húng lủi, húng cây, húng quế, rắp cá, rau răm, kinh giới, đôi khi có cả tía tô, rồi ớt hiểm hai ba loại. Khi rau trái lớn rộ, nhà tôi ăn không hết tôi hay mang cho những người bên nhà chồng, ba mẹ tôi (các anh chị em tôi ở xa hơn nên không được phần), rồi các chị trong hội thiền, hội ảnh (những người mà tôi cảm thấy biết nhiều). Tôi hay nói với anh xã rằng “cho rau người khác ăn họ thích không nói gì, họ không thích ăn rồi đem bỏ thì em không tiếc rau mà chỉ tiếc công ngồi cắt rau thôi.” Bởi vì mỗi lần cắt rau xong đứng dậy lưng tôi bị cong như bà già tám mươi vì ngồi lâu. Rồi thì bắp chuối, bắp đùi đều ê ẩm khi phải ngồi chồm hổm và xê tới xê lui để lựa rau mà cắt. Có điều an ủi là có một người chị dâu thứ năm của anh xã cũng thích ăn rau này như chúng tôi. Chị khen một câu thật ý nhị “từ lúc ăn rau organic của nhà em cho, chị ra chợ mua rau về ăn thêm mà nhai nó như nhai cỏ vậy!” Nhờ rau tốt nên có lúc đi ăn phở, anh xã cắt vài nhánh húng quế mang theo để thế cho những ngọn rau quế, lá ngò nhìn mà phát buồn từ chổ tiệm; nó vừa còi vì lá nhỏ, và vừa vàng vì lá già.
Có một vườn rau nhỏ vậy cũng vui. Vợ chồng cùng làm cùng hưởng thú an nhàn dành cho người già đó, dù tuổi đời chúng tôi chưa được liệt vào danh sách ấy. Riêng tôi thì là thêm một khoảng trời bình yên để tôi có thể lắng đọng tâm hồn và thực tập thiền.
Gió chiều thổi hiu hiu xen lẫn tiếng chim ríu rít gọi nhau về tổ, màu xanh của lá, mùi thơm của rau, tất cả quyện vào nhau thành một không gian thật hửu tình và quyến rũ mà chưa chắc ai có vườn rau đã có cảm nhận như tôi.
Sen Trắng
05/2010