Phải làm gì khi Tác quyền bị xâm phạm
1. LỜI MỞ ĐẦU
Vấn đề xâm phạm tác quyền đã được nói đến rất nhiều trong hầu hết các lĩnh vực đòi hỏi chất xám và sáng tạo không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Bài viết sẽ giúp mọi người thấy được thực trạng này ở Việt Nam trong lĩnh vực nhiếp ảnh và hình ảnh nói chung, qua đó chúng ta sẽ có những ứng xử công bằng và văn minh hơn để giảm thiếu tối đa việc này.
Bài viết được soạn sau khi tôi giải quyết ổn thỏa một vụ xâm phạm bản quyền đối với “đứa con tinh thần” của mình, đặc biệt sự việc lại xảy ra trong một chương trình truyền hình về giáo dục ý thức bảo vệ môi trường, được phát sóng trên một kênh truyền hình lớn nhất và có lượng người xem cao nhất Việt Nam vào thời điểm đó. Với mong muốn chia sẻ tư liệu và kinh nghiệm trong quá trình giải quyết vụ việc với đông đảo mọi người, gồm: người bị xâm phạm tác quyền, tổ chức / cá nhân xâm phạm, tổ chức / cá nhân tiếp tay cho việc xâm phạm, những người quan tâm và có ý thức tôn trọng tác quyền; tôi mong muốn đón nhận mọi ý kiến đóng góp, chia sẻ thêm kiến thức / kinh nghiệm riêng của mọi người để hoàn thiện bài viết hơn.
Riêng đối với những Tác giả bị xâm phạm tác quyền, bài viết sẽ hướng dẫn các bước chi tiết giúp Tác giả có thể tự vệ nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng và hợp pháp của mình mà không thông qua Tòa án pháp lý. Còn đối với những người xâm phạm tác quyền, bài viết sẽ liệt kê những bước cơ bản giúp dàn xếp với Tác giả để khắc phục sự cố, không chỉ nhằm hạn chế dư luận không tốt, mà còn thể hiện thái độ chuyên nghiệp và có trách nhiệm của mình.
Bài viết dành cho tất cả mọi người ở mọi trình độ văn hóa, cho nên tôi sẽ sử dụng từ ngữ thuần Việt và chỉ chú thích thêm thuật ngữ tiếng Anh khi cần thiết.
Bài viết đề cao giá trị của tác quyền, cho nên mọi thông tin dưới dạng văn bản và hình ảnh được sử dụng để minh họa từ bên ngoài sẽ được ghi rõ nguồn gốc. Ngoài ra, nếu bất kỳ ai trích dẫn lại một phần hay toàn bộ nội dung bài viết này để đăng trên website khác hoặc đăng tải dưới bất kỳ hình thức nào khác, vui lòng ghi rõ tên Tác giả (
Nguyễn Thế Dương / daihocsi) và website gốc đăng bài viết này (
www.vnphoto.net).
2. TÁC QUYỀN (QUYỀN TÁC GIẢ) LÀ GÌ?
a. Quyền Tác giả hay tác quyền (Copyright) là độc quyền của một Tác giả cho tác phẩm của người này.
b. Quyền Tác giả được dùng để bảo vệ các sáng tạo tinh thần có tính chất văn hóa (cũng còn được gọi là tác phẩm) không bị vi phạm bản quyền, thí dụ như các bài viết về khoa học hay văn học, sáng tác nhạc, ghi âm, tranh vẽ, hình chụp, phim và các chương trình truyền thanh.
c. Quyền này bảo vệ các quyền lợi cá nhân và lợi ích kinh tế của Tác giả trong mối liên quan với tác phẩm này. Quyền Tác giả không cần phải đăng ký và thuộc về Tác giả khi một tác phẩm được ghi giữ lại ít nhất là một lần trên một phương tiện lưu trữ.
(Nguồn: Wikipedia,
http://vi.wikipedia.org/wiki/Quyền_tác_giả)
d. Theo như [c] và hiểu một cách nôm na thì:
khi bạn chụp 1 hay nhiều tấm ảnh, quay 1 đoạn phim, thì Quyền Tác giả đối với những hình ảnh hoặc đoạn phim đó đã hoàn toàn thuộc về bạn ngay sau khi bạn nhả nút chụp (trigger). Thực tế, vẫn có rất nhiều người lầm tưởng rằng nếu một tác phẩm không được Tác giả đăng ký bản quyền thì sẽ không được bảo hộ Quyền tác giả,
điều này hoàn toàn SAI.
3. LUẬT PHÁP HIỆN HÀNH
Theo LUẬT SỞ HỮU TRÍ TUỆ SỐ 50/2005/QH11 được Quốc hội Nước CHXHCN Việt Nam thông qua ngày 29/11/2005 và LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT SỞ HỮU TRÍ TUỆ 36/2009/QH12 của Quốc hội thông qua vào ngày 2009, quy định:
Điều 18 - Quyền tác giả
Quyền tác giả đối với tác phẩm bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản.
------------------------------
Điều 19 – Quyền nhân thân
Quyền nhân thân bao gồm các quyền sau đây được bảo hộ vô thời hạn (ngoại trừ khoản c, vui lòng xem Điều 27 ở dưới):
a. Đặt tên cho tác phẩm;
b. Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng;
c. Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm;
d. Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.
------------------------------
Điều 20 - Quyền tài sản
a. Quyền tài sản bao gồm các quyền sau đây:
- Làm tác phẩm phái sinh;
- Biểu diễn tác phẩm trước công chúng;
- Sao chép tác phẩm;
- Phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm;
- Truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác;
- Cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính.b. Các quyền quy định tại khoản 1 Điều này do tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện theo quy định của Luật này.
c. Tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng một, một số hoặc toàn bộ các quyền quy định tại khoản 1 Điều này và khoản 3 Điều 19 của Luật này phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả.
------------------------------
Điều 27 - Thời hạn bảo hộ quyền tác giả (đã được sửa đổi)
Quyền nhân thân và quyền tài sản của Tác giả (theo khảo Điều 19 khoản [c] ở trên) có thời hạn bảo hộ như sau:
a. Tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng, tác phẩm khuyết danh có thời hạn bảo hộ là
75 năm, kể từ khi tác phẩm được công bố lần đầu tiên; đối với tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng chưa được công bố trong thời hạn
25 năm, kể từ khi tác phẩm được định hình thì thời hạn bảo hộ là
100 năm, kể từ khi tác phẩm được định hình.
b. Tác phẩm không thuộc loại hình quy định tại điểm [a] khoản này có thời hạn bảo hộ là suốt cuộc đời tác giả và
50 năm tiếp theo năm tác giả chết; trường hợp tác phẩm có đồng tác giả thì thời hạn bảo hộ chấm dứt vào
năm thứ 50 sau năm đồng tác giả cuối cùng chết.
c. Thời hạn bảo hộ quy định tại điểm [a] và điểm [b] khoản này chấm dứt vào thời điểm
24 giờ ngày 31 tháng 12 của năm chấm dứt thời hạn bảo hộ quyền tác giả.”
Nguồn: http://noip.gov.vn/noip/resource.nsf/vwSelectImageResourceUrl/6D6AF53DCD1C49084725767C00209464/$FILE/Luat%20So%20huu%20tri%20tue%20sua%20doi.pdf
4. TẠI SAO PHẢI TÔN TRỌNG TÁC QUYỀN ?
a. Thể hiện sự trân trọng đối với sáng tạo và chất xám của Tác giả. Để tạo ra được một tác phẩm, Tác giả đã phải bỏ ra không ít công sức, thời gian, tiền bạc; sự hao mòn trí lực, nhân lực và cả thiết bị là đương nhiên. Tác giả xứng đáng được hưởng lợi từ việc người khác sử dụng tác phẩm của mình.
"Ở một đất nước mà không có sự tôn trọng tác quyền thì đất nước ấy cứ nghèo vẫn hoàn nghèo, vì ai sẽ làm sáng tạo nữa ?"
Thạc sĩ Thân Tôn Trọng Tín – Giảng viên Đại học Ngân hàng Tp.HCM chia sẻ với tôi trong một dịp tình cờ thầy trò nói chuyện, ngay trong thời gian tôi đang giải quyết vụ việc xâm phạm tác quyền ở trên.
b. Thể hiện lòng tự trọng, ý thức, văn hóa của bản thân mỗi người khi sử dụng tác phẩm của người khác vào bất cứ mục đích gì.
c. Một xã hội văn minh chắc chắn và vĩnh viễn không bao giờ chấp nhận chuyện vi phạm tác quyền. Nhờ vậy, chất xám và sáng tạo mới có đất để phát huy.
5. CÁC HÌNH THỨC XÂM PHẠM TÁC QUYỀN HÌNH ẢNH PHỔ BIẾN Ở VIỆT NAM
a. Tự ý sử dụng ảnh / đoạn phim vào mục đích riêng mà không xin phép Tác giả.
- Mục đích thương mại: phát hành các ấn phẩm quảng cáo, đặt làm banner website công ty, sản xuất phim / phóng sự tài liệu, minh họa bài viết / bài báo, dùng để thuyết trình sản phẩm với khách hàng tiềm năng, cho khách hàng tạo ra biến thể khác từ Tác phẩm gốc để bán cho khách hàng... Nếu hình ảnh được Tác giả chèn water-mark thì họ sẽ tìm cách che / xóa logo. Tuy nhiên, nếu bên sử dụng vẫn để nguyên vẹn logo (water-mark) của Tác giả thì việc này sẽ dễ chấp nhận và bỏ qua hơn.
- Mục đích phi thương mại: không khác về hành vi so với [i] nhưng không nhằm tạo ra lợi nhuận. Đối với trường hợp này, trách nhiệm của đơn vị sử dụng trái phép sẽ nhẹ nhàng và dễ thỏa hiệp hơn. Có nhiều người vẫn nghĩ nếu sử dụng với mục đích phi thương mại thì không cần xin phép Tác giả, đây chỉ là suy nghĩ chủ quan và hoàn toàn sai lệch. Tốt nhất, hãy liên lạc với Tác giả (qua email hoặc điện thoại) để xin phép trước để tránh rắc rồi về sau.
b. Sử dụng ảnh / đoạn phim của người khác và mạo nhận mình là Tác giả. Đây là hình thức xâm phạm đáng lên án nhất về mặt đạo đức. Thậm chí, có cả trường hợp sử dụng ảnh / đoạn phim của người khác để dự thi và đoạt giải ?!
6. TỰ VỆ KHI BỊ XÂM PHẠM TÁC QUYỀN HÌNH ẢNH
a. Khi bạn là Tác giả mà “đứa con tinh thần” của mình bị sử dụng trái phép, có 1 tin vui và 1 tin buồn cho bạn:
- Tin vui: dẫu sao cũng đáng mừng vì “đứa con” của bạn chắc chắn phải đẹp lắm và có giá trị sử dụng nhất định nên người ta mới muốn khai thác nó.
- Tin buồn: cảm giác thật bực tức khi thành quả của mình bị coi rẻ, bản thân tôi đã rất xót xa khi việc này xảy ra với mình và sao nó cứ xảy ra liên tục như vậy [!].
b. Lúc này trong đầu bạn sẽ có rất nhiều câu hỏi, nhưng câu hỏi lớn nhất luôn là:
Làm sao để đòi lại công bằng cho bản thân mình? Và bạn sẽ phải chuẩn bị tâm lý thật vững vàng để đấu tranh đòi công bằng không chỉ cho riêng mình, mà còn để răn đe những người có ý đồ xấu sau này, để không còn phải thấy những vụ việc tương tự nữa.
c. Bạn hãy thu thập đầy đủ bằng chứng (rõ ràng & thuyết phục) để chứng minh bạn mới chính là Tác giả. Nếu ảnh / đoạn phim của bạn đã từng được đăng trên báo online (kèm link) hay báo in (cần scan) có ghi tên bạn là Tác giả thì rất dễ vì được nhiều người biết đến. Nếu không, bạn có thể cắt cúp (crop) 100% một góc nhỏ trong hình gốc để đối chứng.
d. Bạn hãy thu thập đầy đủ bằng chứng (rõ ràng & thuyết phục) để chứng minh tác phẩm của mình bị sử dụng trái phép. Nếu tác phẩm được dùng trên website thì cần ảnh chụp màn hình (screenshot) thật nhanh trước khi nó bị phi tang. Còn nếu nó được sử dụng trên truyền hình (TV) thì bạn cần tìm mọi cách để chụp hay ghi hình lại bằng chứng, tương tự với trường hợp in ấn (báo chí, tạp chí, ấn phẩm quảng cáo …)
e. Trong trường hợp đồng Tác giả, bạn cần thông báo và thống nhất với người đồng Tác giả trước khi chính thức hành động hay có bất cứ phát ngôn nào.
f. Nếu bạn là thành viên của Hiệp hội Nhiếp ảnh chính thống, thì đây sẽ là nơi đầu tiên bạn nên nhờ hỗ trợ.
g. Khi bạn xác định đối tượng vi phạm là cá nhân hoặc công ty, hãy tìm cách liên hệ trực tiếp (điện thoại hoặc email) để yêu cầu họ giải thích và bồi thường thỏa đáng.
h. Nếu đối tượng vi phạm là tổ chức lớn, có tiếng nói và địa vị cao trong xã hội, đôi khi họ dễ phớt lờ yêu cầu của bạn và để mọi việc “chìm xuồng”. Lúc này hẳn sẽ có nhiều người khuyên bạn theo 2 hướng:
- Kiện ra tòa: tốn chi phi, thời gian, mệt mỏi với thủ tục pháp lý và chưa hẳn sẽ có kết quả.
- “
Ngậm bồ hòn”: nuốt cục tức vào trong lòng và tự rút kinh nghiệm, hạn chế đăng ảnh trên mạng hoặc chèn water-mark to hơn.
i. Đây là cách mình đã làm để giải quyết vụ việc trên: viết bài phản ánh lên Forum có uy tín, thường thì những vấn đề liên quan đến bản quyền luôn thu hút dư luận tham gia. Những comment của mọi người không chỉ là những lời chia sẻ, tư vấn mà còn là tiếng nói rất có trọng lượng để “trợ lực” cho bạn trong hành trình đòi công bằng. Thông tin khi đã xuất hiện trên Forum sẽ được Google “ngửi” thấy rất nhanh, mức độ lan truyền sẽ rất lớn.
j. Mạng xã hội giờ đây cũng góp phần không nhỏ trong việc chia sẻ và tìm kiếm thông tin, bạn có thể tận dụng kênh liên lạc tân tiến này.
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
k. Khi bị xâm phạm tác quyền, Tác giả có quyền yêu cầu ít nhất 3 hành động sau từ bên vi phạm (theo như bác
Vi Khoa - người mà tôi rất nể trọng, đã gợi ý cho tôi khi giải quyết vụ việc trên):
- Gửi thư (nếu là Cá nhân) có chữ ký của bên vi phạm và gửi qua đường bưu điện (nếu ở xa); hoặc gửi
Công văn xin lỗi (nếu là Công ty / Tổ chức) có chữ ký sống của đại diện có thẩm quyền (Giám đốc trở lên) và con dấu pháp nhân (dấu tròn) và gửi qua đường bưu điện (nếu ở xa).
- Bồi thường chi phí: thường thì bên vi phạm sẽ đưa ra mức bồi thường theo kiểu “nhuận bút”. Tuy nhiên, nếu bạn cảm thấy không tương xứng, có thể yêu cầu bồi thường tương xứng với giá trị thương phẩm và lợi ích thương mại từ việc sử dụng trái phép tác phẩm của bạn (Tham khảo cách tính phí bồi thường ở Mục 9).
- Đăng thông tin cải chính lên website của đơn vị vi phạm hoặc số phát hành / phát sóng tiếp theo của ấn phẩm / chương trình: nhằm công khai khẳng định việc sử dụng tác phẩm cúa Tác giả và kèm theo lời xin lỗi.
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
l. Khi gặp mặt và đàm phán với bên vi phạm: hãy để ý đến thái độ và thiện chí của họ, miễn sao bạn cảm thấy hài lòng, còn việc đòi bồi thường bằng tiền đôi khi không thật sự cần thiết.
- Nếu tác phẩm bị sử dụng trái phép trong một
chương trình từ thiện (quyên góp vì người nghèo, trẻ em nghèo / khuyết tật, cứu trợ lũ lụt,…) thì một lời xin lỗi của đơn vị sử dụng trái phép cũng là đủ rồi.
- Nếu tác phẩm bị sử dụng trái phép trong một chương trình nhằm
vinh danh một người có công với đất nước, với xã hội, có ảnh hưởng tích cực với cộng đồng (ví dụ: anh hùng dân tộc, tưởng niệm một nhạc sĩ quá cố có nhiều bài hát hay, …) thì một lời xin lỗi của đơn vị sử dụng trái phép cũng là đủ rồi.
- Nếu tác phẩm bị sử dụng trái phép trong một
chương trình giáo dục (bảo vệ môi trường, phổ biến kiến thức, tuyên truyền lịch sử, bảo tồn di sản đất nước…) hoặc quảng bá du lịch đất nước (giới thiệu phong cảnh, tiềm lực kinh tế để thu hút đầu tư, du lịch …) của do
cơ quan quản lý nhà nước (Bộ, Vụ, Sở, Cục) thực hiện và trực tiếp đứng ra nhận trách nhiệm để đàm phán với Tác giả, bạn có thể coi đây là cách để mình góp phần phát triển đất nước và không nên đặt nặng vấn đề bồi thường.
- Ngoài những trường hợp điển hình ở trên, bạn phải thật dứt khoát yêu cầu bên vi phạm bồi thường thỏa đáng vì quyền lợi chính đáng và hợp pháp của bạn.- - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
m. Tôi đã có thời gian 5 năm trải nghiệm cùng Nhiếp ảnh nghiệp dư, tuy đây không phải là vấn đề mới nghe nhưng là lần đầu tôi gặp phải cho nên kinh nghiệm xử lý chưa nhiều. Bởi vậy, khi phản ánh chuyện này trên diễn đàn, nhờ những góp ý và động viên của các anh chị em có kinh nghiệm, tôi đã có thêm nhiều động lực để đấu tranh hơn, và hy vọng sẽ tạo ra 1 tiền lệ tốt giúp mọi người sau này có thể giải quyết chuyện tương tự dễ dàng hơn.
7. “PHẢN CÔNG” NẾU KHÔNG ĐƯỢC GIẢI QUYẾT THỎA ĐÁNG?
Những lời răn đe luôn có tác dụng nhất định, nhưng nếu gặp những người không có thiện chí và đùn đẩy trách nhiệm giải quyết, tùy thuộc vào quy mô hay vị thế của đơn vị xâm phạm, bạn có thể gửi thư (email) hoặc thông cáo báo chí và đến các cơ quan truyền thông / ngôn luận sau:
Văn phòng chính phủ (
http://vpcp.chinhphu.vn )
Bộ Thông tin và Truyền thông (
http://mic.gov.vn)
Bộ Văn Hóa, Thế Thao và Du lịch (
http://www.cinet.gov.vn)
Cục Sở hữu Trí tuệ (
http://www.noip.gov.vn)
Bộ Công An (
www.mps.gov.vn)
Các đài truyền hình lớn.
60 đài PT&TH ở các tỉnh trên cả nước.
Các tờ báo điện tử có lượng truy cập tối thiểu 5,000,000 lượt/ngày.
Các tờ báo in có lượng phát hành tối thiểu 500,000 bản/ngày.
Các phóng viên mà bạn quen biết.
Các Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh trên cả nước.
Các diễn đàn “đông dân cư” trên Internet.
Mạng xã hội & nhật kỳ điển tử (blog).
Cung cấp tất cả dữ liệu của vụ việc tới các Giảng viên tại các trường Đại học, Cao đẳng tại Việt Nam - nơi có môn học liên quan đến bản quyền để họ dùng làm dẫn chứng, nghiên cứu tình huống (case study, media study) cho sinh viên / nghiên cứu sinh.
Tuy nhiên, bạn cũng nên thông báo cho bên xâm phạm để cảnh báo trước khi chính thức bấm nút “khai hỏa”. Với những “mũi tên” có trọng lượng không hề nhỏ như trên, lợi ích trên bàn đàm phán sẽ luôn có lợi cho chính bạn.
DƯ LUẬN chính là vị thẩm phán trung lập, khách quan và công bằng nhất.
"Thông cáo báo chí" có thể viết theo form sau kèm theo mô tả về vụ việc:
Kính gửi các Nhà báo, Nhà đài & những cơ quan truyền thông; những người quan tâm đến tác quyền nếu Quý vị có dịp ghé VNPHOTO.net và đọc bài viết này:
Tôi và rất rất nhiều thành viên VNPHOTO.net luôn xem Nhiếp ảnh là đam mê lớn, chúng tôi cầm máy chụp ảnh ngoài việc thỏa mãn đam mê chân chính ấy còn vì tình yêu với cuộc sống, với đất nước Việt Nam mình. Mong muốn ghi lại những hình ảnh đẹp của đất nước, con người và cuộc sống lúc nào cũng là động lực để chúng tôi tự tìm tòi và chia sẻ kiến thức Nhiếp ảnh với nhau. Rất ít người ở đây được đào tạo chính quy & bài bản về Nhiếp ảnh, nhưng chính cái "chất nghiệp dư" ấy đã gắn chặt chúng tôi với nhau và trở thành cộng đồng Nhiếp ảnh online lớn nhất Việt Nam. Từ lúc chập chững cầm máy đến nay tuy mới chỉ 5 năm, nhưng tôi luôn xem VNPHOTO.net như một "hội quán" đầy ắp tình bằng hữu & là kho kiến thức khổng lồ cho tất cả mọi người đam mê Nhiếp ảnh.
Việc "đứa con tinh thần" của mình bị chà đạp như vậy khiến tôi buồn lắm. Nhưng ... cái buồn ấy chỉ là 1 vì nó cũng chỉ là một ví dụ của một vấn đề không hề mới. Cái xót xa khi chứng kiến tác quyền ở Việt Nam càng ngày càng bị coi rẻ nó lớn hơn gấp 10 lần. Xót xa lắm.
Tôi không mong đợi có một phiên tòa pháp lý nào sẽ tiếp nhận và phân xử rạch ròi chuyện này, vì tôi không phải là người thích đấu đá. Dư luận rất công bằng, trung lập và khách quan, đấy mới chính là vị "Thẩm phán" tốt nhất.
Tôi cần dành nhiều thời gian hơn cho công việc, gia đình và đam mê chụp ảnh thành phố (skyline cityscape), dự án I-LOVE-SAIGON sẽ được tôi duy trì ít nhất 30 năm nữa.
Tôi chỉ muốn phát đi một thông điệp ngắn gọn:
"Mọi người hãy trân trọng tác quyền vì nó sẽ đẻ ra nhiều chất xám & sáng tạo hơn".
Tp.Hồ Chí Minh, ngày AA/BB/CCCC
NGUYỄN THẾ DƯƠNG
Trên đây là những cách khả thi và ít tốn kém chi phí nhất mà bạn có thể tự làm, tùy tình hình cụ thể bạn có thể áp dụng một phần hay toàn bộ những cách trên.
8. ĐỐI VỚI NHỮNG NGƯỜI XÂM PHẠM TÁC QUYỀN
a. Hỡi ôi! Có muôn vàn lý do để xâm phạm tác quyền, nào là: chỉ muốn dùng “chùa” cho …tiết kiệm, không có thời gian / kinh phí / kỹ năng để có thể tự làm, thiếu …kinh nghiệm trong khâu biên tập, nghĩ rằng chắc Tác giả sẽ không biết đâu, suy nghĩ thiển cận: hễ cái gì trên mạng đều là của “
chùa” ?!, vv và vv... Nhưng tựu chung lại chỉ có 1 lý do duy nhất là
Ý THỨC KÉM mà thôi.
b. Trong thời đại kỹ thuật số, việc tiếp cận với Nhiếp ảnh càng trở nên dễ dàng do mọi kiến thức đã được phổ biến và lan truyền rộng rãi qua Internet. Do đó, khả năng tạo ra các tác phẩm đẹp không chì dành cho giới chuyên nghiệp. Những người nghiệp dư một khi đã say mê và sẵn sàng đầu tư để nuôi thú chơi tốn kém này, thì việc họ cho ra những tác phẩm đẹp là chuyện rất phổ biến. Bạn đừng nghĩ họ nghiệp dư mà tìm cách “chôm chỉa” tác phẩm của họ, một khi chuyện xâm phạm tác quyền xảy ra thì không ai phân biệt Tác giả là nghiệp dư hay chuyên nghiệp cả, mà người ta chỉ đánh giá hành vi “chôm chỉa” ấy mang tính chất nghiệp dư hay chuyên nghiệp để “luận tội” bạn thôi.
c. Khi bạn sử dụng trái phép hình ảnh của người khác, bạn nên lường trước:
Uy tín / thương hiệu của cá nhân / công ty sẽ bị mang ra đánh đổi, thiệt hại ít thì bị dư luận xem thường, nặng thì bị tẩy chay rồi phá sản.
Suy nghĩ của xã hội đối với hành vi này rất nặng nề: sẽ bị quy về tội ăn cắp, chiếm đoạt tài sản trí tuệ của người khác.
Những đối thủ của bạn sẽ dùng thông tin này để hạ thấp bạn, thử nghĩ xem nếu sau này bạn đi đấu thầu dự án, một khi đối thủ đã nắm được “thóp” của bạn rồi thì khả năng thắng thầu của bạn còn bao nhiêu % ?!
Một khi sự việc đã xảy ra thì thái độ của bạn đối với Tác giả và trách nhiệm giải quyết hậu quả sẽ quyết định “số phận” của bạn lúc này. Một lời xin lỗi (bằng văn bản nếu là công ty) và thương lượng chi phí bồi thường là 2 yêu cầu tối thiểu để dàn xếp. Điều quan trọng lúc này vẫn là thái độ của bạn, Tác giả sẽ trân trọng và dễ dàng chấp nhận hơn tùy vào sự thành khẩn và thiện chí của bạn.
Về phí bồi thường cho Tác giả, sẽ phải căn cứ trên lợi ích thương mại mà các đơn vị được hưởng khi sử dụng trái phép ảnh / đoạn phim này thì mới thỏa đáng.
Nếu bạn sử dụng ảnh / đoạn phim trong một bài báo hoặc chương trình truyền hình có phạm vy phát hành / phát sóng lớn, khâu kiểm duyện nội dung tuyệt đối không thể bỏ qua vấn đề tác quyền vì “
sai 1 ly, đi 1 dặm”.
Sau khi bạn đã có trách nhiệm bồi thường cho Tác giả, bạn có thể đề nghị Tác giả cải chính thông tin để ghi nhận thiện chí ấy. Lúc này, Tác giả khi đã vui lòng với sự dàn xếp của bạn sẽ sẵn sàng giúp bạn phục hồi và thậm chí nêu cao danh dự cho bạn. Bởi vì hơn lúc nào hết, Tác giả thấy được sự trân trọng của người khác đối với tác phẩm của mình.
Lưu ý: thời gian dàn xếp nên tiến hành khẩn trương, vì càng lâu sẽ tạo hiệu ứng và dư luận không tốt, ảnh hưởng rất xấu đến uy tín của bạn / công ty bạn.
"
Trăm năm bia đá thì mòn, ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ." (Ca dao - Tục ngữ Việt Nam)
9. DIỄN BIẾN THỰC TẾ
a. Trở lại vụ xâm phạm bản quyền ở trên, sau khi công ty trực tiếp sản xuất chương trình đã nhận được thông tin từ Tác giả, họ (cả Giám đốc và Biên tập viên) đã xin lỗi qua điện thoại và đề nghị tôi …xóa bài viết (Topic) trên diễn đàn VNPHOTO.net vì lo ngại dư luận xấu về chương trình truyền hình này. Thoạt đầu, tôi cũng rất phân vân nhưng sau khi xem xét kỹ lại những điểm sau tôi đã kiên quyết đòi họ bồi thường thỏa đáng:
Dù đây là chương trình mang tính giáo dục nhưng họ đóng vai trò là Nhà tổ chức sản xuất và bán chương trình cho Nhà đài. Logo của họ xuất hiện cuối chương trình với kích thước khá lớn và song hành với logo Nhà đài, cho nên lợi ích thương mại là không thể chối cãi.
Đáng lẽ sẽ có thêm yêu cầu thứ 3 như
Mục 6l ở trên, nhưng do chương trình mang tính giáo dục cao, có lợi ích thiết thực với cộng đồng. Hơn nữa, bản thân tôi và gia đình đều yêu thích chương trình này nên tôi chỉ đưa ra 2 yêu cầu.
Ngoài ra, Giám đốc công ty trực tiếp sản xuất chương trình đã bay từ Hà Nội vàoTp.HCM để gặp trực tiếp tôi, có sự chứng kiến của admin VNPHOTO.net cùng các nhà báo. Họ đã thể hiện thái độ cầu thị và hoàn toàn nhận trách nhiệm về mình. Điều này cũng làm tôi cảm thấy trân trọng và có thiện cảm hơn với họ hơn.
Cuối cùng, công ty này đã gửi Thư xin lỗi Tác giả kèm theo phí bồi thường tương xứng với giá trị thương phẩm của đoạn phim đã bị sử dụng trái phép.
Mức bồi thường tôi đã yêu cầu các bên vi phạm phải bồi thường do sử dụng trái phép 20 giây video clip Time-lapse (chụp nhiều ảnh & ghép lại thành phim với tốc độ 30 hình/giây) của tôi như sau:
.
được tính theo giá Nhiếp ảnh lưu động phổ biến ở khu vực trung tâm Tp. Hồ Chí Minh vào thời điểm đó. Thể loại tôi chụp là skyline cityscape (chủ yếu từ những góc máy cao 50 mét trở lên và chủ thể là các building và đường phố ở khu vực trung tâm Tp.HCM).
Hạn chót để các bên vi phạm thực hiện trách nhiệm là 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo của Tác giả.
Số tiền trên theo người nói với tôi là thấp quá, lại có người nói là hợp lý. Bản thân tôi thấy nó chấp nhận được và hoàn toàn nằm trong khả năng tài chính của bên vi phạm.